Sản xuất lò xo > Tin tức > Tại sao thép không gỉ…không gỉ?

Gỡ khó cho doanh nghiệp, Bộ KH&CN lùi thời hạn áp dụng Quy chuẩn thép không gỉ

Nhằm hỗ trợ và ổn định sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng thép không gỉ, Tổng cục TCĐLCL đã kiến nghị Bộ KH&CN lùi thời hạn áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 20:2019/BKHCN đến ngày 01/1/2022.

Thông tin trên được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh cho biết sau khi xem xét các kiến nghị của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành hàng thép không gỉ tại Việt Nam.

Quản chất lượng thép không gỉ theo quy chuẩn là cần thiết

Tại cuộc họp đối thoại giữa Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) – Bộ KH&CN với đại diện các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành hàng thép không gỉ tại Việt Nam diễn ra mới đây, các doanh nghiệp đã trao đổi, phản ảnh về các khó khăn, vướng mắc cùng các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp trong việc thực hiện QCVN 20:2019/BKHCN.

Qua trao đổi, phản ánh, Tổng cục TCĐLCL đã ghi nhận 08 ý kiến khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 20:2019/BKHCN. Đồng thời đã giải đáp, hướng dẫn doanh nghiệp xử lý triệt để 07 vướng mắc, còn 01 vướng mắc tồn tại là việc doanh nghiệp nhập khẩu thép không gỉ từ các nhà máy sản xuất của Trung Quốc theo tiêu chuẩn cơ sở của nhà máy và có chất lượng không đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia của Trung Quốc (GB), tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam (TCVN), tiêu chuẩn quốc tế.

Tại cuộc đối thoại với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Hiệp hội Thép Việt Nam nhất trí sự cần thiết ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 20:2019/BKHCN về thép không gỉ nhằm đảm bảo chất lượng thép không gỉ trong sản xuất, hạn chế những sản phẩm thép không gỉ kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo tính an toàn khi sử dụng thép không gỉ tại các công trình, chống gian lận thương mại và tiếp tục kiến nghị Bộ KH&CN xem xét bổ sung phạm vi cho sản phẩm thép không gỉ dạng thép hình (ống tròn, thép hình hộp, thép góc…) và sản phẩm tiêu dùng được sản xuất từ thép không gỉ (như nồi, ấm, lưới quạt điện, khay, giá đỡ,tủ đựng tài liệu, bàn, ghế…) vì nếu không bổ sung các đối tượng sản phẩm này vào quản lý thì sản phẩm tiêu dùng sản xuất từ thép không gỉ và sản phẩm thép hình kém chất lượng sẽ được nhập khẩu vào Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa sản phẩm sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu.

Theo ông Linh, để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ chất lượng thép không gỉ, quy định kỹ thuật cho thép không gỉ trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 20:2019/BKHCN quy định tiêu chuẩn công bố áp dụng phải là tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn ASTM, tiêu chuẩn SAE. Việc doanh nghiệp nhập khẩu thép không gỉ theo tiêu chuẩn cơ sở của Trung Quốc cho thấy tiêu chuẩn cơ sở này có hàm lượng Mn cao (giá thành Mn rẻ) và hàm lượng Ni thấp (giá thành Ni cao) là chưa phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn quốc gia.

“Các loại thép không gỉ này được sản suất với giá thành rẻ nhưng không đảm bảo tính chất của thép không gỉ như tính chất cơ lý, tính chống gỉ, tính chống xâm thực axit, tính hàn, chống mài mòn… là không phù hợp với điều kiện khí hậu môi trường Việt Nam. Hơn nữa, một số doanh nghiệp ghi nhãn mác theo tiêu chuẩn cơ sở, ví dụ: thép không gỉ mác 304 gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng đối với mác thép sản suất theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn quốc gia, ví dụ: mác thép SUS304 theo JIS 4303”, ông Linh chia sẻ.

Được biết, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn quốc gia khi ban hành thường qua sự đánh giá, kiểm soát kỹ thuật chặt chẽ của ban soạn thảo hoặc ban kỹ thuật, với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức KH&CN, chuyên gia… thuộc các thành phần kinh tế dựa trên căn cứ kỹ thuật. Còn tiêu chuẩn cơ sở thường bỏ qua yếu tố xem xét tính khách quan khi ban hành, soạn thảo, do đó thiếu căn cứ kỹ thuật khi ban hành.

Mặt khác, tiêu chuẩn cơ sở theo quy định pháp luật là do doanh nghiệp tự công bố. Điều này có thể dẫn đến kẽ hở pháp lý về việc doanh nghiệp sẽ không công bố các quy định kỹ thuật về chất lượng sản phẩm, hoặc công bố ở mức rất thấp, dẫn đến hậu quả là sản phẩm kém chất lượng, gây mất an toàn, gian lận trong thương mại. Bên cạnh đó, theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật thì không thể chứng nhận hợp quy cho tiêu chuẩn cơ sở mà chỉ chứng nhận hợp quy cho tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực. Do đó việc không áp dụng tiêu chuẩn công bố theo tiêu chuẩn cơ sở trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 20:2019/BKHCN là phù hợp.

Theo Ban soạn thảo Quy chuẩn, khi xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 20:2019/BKHCN, dự thảo quy chuẩn này cũng đã được gửi lấy ý kiến Hiệp hội Thép Việt Nam, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN để lấy ý kiến góp ý là 60 ngày theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, quy chuẩn này cũng đã được Thông báo cho các nước thành viên WTO theo quy định tại Hiệp định WTO/TBT. Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 20:2019/BKHCN sau khi được ban hành.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trên cơ sở kiến nghị của các doanh nghiệp, đặc biệt thời gian qua, do tác động của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong trong giai đoạn dịch COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 là cần thiết nhằm hỗ trợ và ổn định sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng thép không gỉ. Do đó, Tổng cục TCĐLCL đã kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ lùi thời hạn áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 20:2019/BKHCN đến ngày 01/1/2022.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, trong thời hạn lùi áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 20:2019/BKHCN này, Tổng cục sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét các kiến nghị của doanh nghiệp ngành hàng thép không gỉ để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất trong nước, người tiêu dùng. Đồng thời xem xét đưa các đối tượng sản phẩm thép không gỉ dạng thép hình (ống tròn, thép hình hộp, thép góc…) có mã HS 7306.40.90, 7306.61.00 và sản phẩm tiêu dùng được sản xuất từ thép không gỉ (như nồi, ấm, lưới quạt điện, khay, giá đỡ,tủ đựng tài liệu, bàn, ghế…) vào quản lý nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp nước ngoài có sản phẩm thép không gỉ nhập khẩu vào Việt Nam.

“Tổng cục TCĐLCL cũng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thép không gỉ từ thị trường Trung Quốc thông báo cho phía Nhà máy sản xuất tại Trung Quốc xem xét sản xuất thép không gỉ có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia của Trung Quốc, tiêu chuẩn quốc gia của các nước khác nhằm đảm bảo chất lượng thép không gỉ tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, hạn chế những sản phẩm thép không gỉ kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo tính an toàn khi sử dụng thép không gỉ tại các công trình, chống gian lận thương mại”, ông Linh nhấn mạnh.

Tổng cục TCĐLCL cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, bao gồm cả dự thảo QCVN trong quá trình xây dựng liên quan đến quản lý chất lượng, đánh giá sự phù hợp, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Nguồn:tcvn.gov.vn